TikTok sẽ tổ chức một phiên điều trần quan trọng vào ngày 16 tháng 1 trong nỗ lực ngăn chặn một đạo luật có thể cấm ứng dụng này hoạt động tại Hoa Kỳ.
Tòa phúc thẩm Quận Columbia sẽ tổ chức phiên điều trần về khiếu kiện pháp lý và quyết định số phận của TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc). Nền tảng video dạng ngắn đang trở thành tâm điểm trong những tuần cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, với các ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris đều hoạt động trên TikTok nhằm nỗ lực thu hút các cử tri trẻ tuổi.
Vào tháng 4, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký luật buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok hoặc ngừng hoạt động tại Hoa Kỳ vì lo ngại rằng Trung Quốc có thể lấy dữ liệu của người Mỹ hoặc theo dõi họ thông qua ứng dụng TikTok. Hạn chót của ByteDance là ngày 19 tháng 1 năm 2025, một ngày trước khi nhiệm kỳ tổng thống của Biden kết thúc, nhưng có thể được gia hạn thêm ba tháng nếu công ty được đánh giá đang đạt được tiến bộ trong việc bán ứng dụng.
Chính quyền Biden coi biện pháp này là một nỗ lực nhằm chấm dứt quyền sở hữu của Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia hơn là một động thái nhằm loại bỏ TikTok.
Trong khi đó, đại diện của TikTok và ByteDance cho rằng luật cấm các nền tảng này là vi hiến và xâm phạm quyền tự do ngôn luận của người Mỹ. Hơn nữa, việc bán TikTok là không thể từ góc độ kỹ thuật, pháp lý và kinh doanh.
Các thẩm phán Sri Srinivasan, Neomi Rao và Douglas Ginsburg sẽ xem xét các thách thức pháp lý từ TikTok và người dùng của nó trong việc quyết định số phận của nền tảng này.
TikTok đang bị các nước phương Tây giám sát kỹ lưỡng vì lo ngại dữ liệu người dùng có nguy cơ rơi vào tay Trung Quốc. Cơ quan an ninh Đức đã cảnh báo người dân không sử dụng TikTok, trong khi ứng dụng này đã bị cấm trên thiết bị của nhân viên chính phủ ở nhiều quốc gia. Nền tảng video dạng ngắn khẳng định các cảnh báo là vô căn cứ và nhấn mạnh rằng họ không thu thập nhiều dữ liệu hơn các ứng dụng khác.
Faide